Trong bối cảnh vốn đầu tư mạo hiểm ngày càng chọn lọc hơn, nguồn vốn cho khởi nghiệp cần có thêm từ ngân hàng, tổ chức tín dụng và những mô hình linh hoạt hơn như vốn vay mạo hiểm, fintech...

Điểm sáng khởi nghiệp tại Đông Nam Á

Theo báo cáo do Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với StartupBlink thực hiện, Việt Nam đã tăng một bậc so với năm trước, vươn lên vị trí 55 thế giới và duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam thăng hạng, khẳng định nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, ba trung tâm khởi nghiệp lớn của Việt Nam đã có những bước đột phá ngoạn mục. TP.HCM lần đầu tiên lọt vào top 5 hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, đạt thứ hạng 110 toàn cầu – mức cao nhất từ trước đến nay. Hà Nội cũng thăng 9 bậc, vươn lên hạng 148. Đặc biệt, Đà Nẵng gây ấn tượng mạnh với mức tăng 130 bậc, đạt hạng 766, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước.

Không chỉ cải thiện về thứ hạng, Việt Nam còn ghi điểm ở nhiều chỉ số then chốt như tổng vốn đầu tư tư nhân, số lượng startup kỳ lân, quy mô nhân sự khởi nghiệp, mạng lưới chi nhánh công ty công nghệ toàn cầu và số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ bởi các chương trình quốc tế.

Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang tích cực ban hành nhiều chính sách ưu đãi thuế và tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mạo hiểm tham gia vào thị trường.

Các nhà đầu tư này không chỉ cung cấp tài chính giai đoạn đầu mà còn mang đến mạng lưới quốc tế và các chương trình cố vấn, giúp startup Việt mở rộng quy mô ra toàn cầu.

Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ VinVentures thuộc Tập đoàn Vingroup, chia sẻ bên lề sự kiện Diễn đàn đối thoại cấp cao Venture Forum 2025: “Thị trường có nhiều điểm khá tích cực khi Chính phủ có nhiều động thái hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Những vấn đề về cơ chế, thể chế được cân nhắc nhanh chóng hơn so với trước kia”.

Cần đa dạng hóa nguồn vốn cho khởi nghiệp

Nguồn vốn cho khởi nghiệp hiện nay phần lớn đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, nguồn vốn này ngày càng khó tiếp cận hơn so với trước đây. Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 do NIC công bố hồi tháng 4 cũng đã chỉ ra vấn đề này.

Sau giai đoạn hình thành trước năm 2017, thị trường vốn tư nhân tăng tốc mạnh mẽ, đạt đỉnh vào năm 2019. Vốn tư nhân tăng trưởng nhanh về giá trị và quy mô giao dịch, đạt đỉnh vào năm 2019 ở mức 4,8 tỷ USD giá trị đầu tư trên 167 giao dịch.

Dịch Covid-19 làm gián đoạn đà tăng trưởng này, khiến các giao dịch PE lớn chững lại trong khi đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) vẫn diễn ra ổn định. Tổng vốn đầu tư VC đạt đỉnh ở mức 1,4 tỷ USD vào năm 2021. Giai đoạn này cho thấy niềm tin dài hạn của nhà đầu tư vào Việt Nam giữa bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Tuy nhiên đến năm 2024, việc thắt chặt đầu tư toàn cầu và điều chỉnh định giá khiến đầu tư VC-PE giảm 35%, xuống còn 2,3 tỷ USD vào năm 2024.

Theo: Dantri